Đoạt lấy toàn bộ Phúc Kiến Vương_Triều

Năm 891, Trần Nham lâm bệnh nặng, ông ta phái người triệu Vương Triều đến Phúc châu, có ý giao lại quyền cai quản Phúc Kiến cho Vương Triều. Tuy nhiên, Trần Nham qua đời trước khi Vương Triều có thể đến được Phúc châu. Em vợ của Trần Nham là Đô tướng Phạm Huy (范暉) thuyết phục tướng sĩ ủng hộ ông ta làm lưu hậu, phát binh cự Vương Triều.[7]

Tuy nhiên, Phạm Huy trở nên cao ngạo và phóng túng, mất đi sự ủng hộ của binh sĩ. Năm 892, Vương Triều bổ nhiệm em họ là Vương Ngạn Phục (王彥復) làm Đô thống, Vương Thẩm Tri làm Đô giám, đem binh công Phúc châu. Theo ghi chép thì người Hán tự quyên lương thực, còn các dân tộc khác đem binh thuyền trợ giúp ông.[8]

Tuy nhiên, việc bao vây Phúc châu bị sa lầy do thành phòng thủ vững chắc, Phạm Huy cầu cứu Uy Thắng[chú 11] tiết độ sứ Đổng Xương- có quan hệ thông qua hôn nhân với Trần Nham. Đổng Xương phái 5.000 quân đến cứu Phúc châu, Vương Ngạn Phục và Vương Thẩm Tri hay tin thì báo lại cho Vương Triều và thỉnh cầu bãi binh, song Vương Triều từ chối. Khi họ thỉnh Vương Triều tự đến hành doanh, Vương Triều trả lời: "Binh hết thì thêm binh, tướng hết thì thêm tướng. Binh tướng đều hết, ta sẽ tự đến"[8]

Vương Ngạn Phục và Vương Thẩm Tri lo sợ bị trách mắng nên tăng cường tiến công. Đến mùa hè năm 893, Phúc châu cạn nguồn lương thực, Phạm Huy bỏ thành chạy trốn rồi bị binh sĩ giết chết, quân Uy Thắng vẫn đang trên đường đến song khi hay tin thì trở về Uy Thắng. Vương Triều tiến vào Phúc châu, xưng là lưu hậu, phục táng Trần Nham, gả một con gái do vợ cả sinh cho Trần Diên Hối (陳延晦)- kỳ tử của Trần Nham. Sau đó, Đinh châu và Kiến châu[chú 12] cũng hàng Vương Triều, Khoảng 20 nhóm quân cướp trên núi dưới biển cũng hàng phục hoặc bị ông tiêu diệt.

Tháng 10 ÂL năm 893, Đường Chiêu Tông bổ nhiệm Vương Triều làm Phúc Kiến quan sát sứ. Tháng 12 ÂL năm sau, hai vạn người Man bao vây Đinh châu, Vương Triều khiển bộ tướng Lý Thừa Huân đem một vạn lính tiến đánh, quân Man tan vỡ chạy trốn, Thừa Huân truy kích và đánh bại họ ở cửa Tương Thủy. Vương Triều khiển liêu tả đi tuần các châu huyện, khuyến khích cày cấy, trồng dầu nuôi tằm, ổn định mức tô thuế, giao hảo với các đạo lân cận, bảo vệ cương giới, dân Mân được nghỉ ngơi yên ổn.[8] Năm 896, Đường Chiêu Tông thăng Phúc Kiến thành Uy Vũ quân (威武), bổ nhiệm Vương Triều làm tiết độ sứ.[9]